Thập niên 1970: Thời kì "New Hollywood" và sự phát triển của các nền điện ảnh mới Lịch_sử_điện_ảnh

Marlon Brando trong Bố già (1972)

Tại Hollywood, một thế hệ đạo diễn mới, trẻ, năng động và nhiều sức sáng tạo bắt đầu khẳng định tiếng nói của mình. Họ đã mở đầu cho một giai đoạn sáng tạo mới của điện ảnh Mỹ, giai đoạn "New Hollywood" (Hollywood mới). Bộ phim đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn này là Bonnie and Clyde (1967). Những tác phẩm theo trường phái hậu cổ điển (post-classical) của giai đoạn New Hollywood có cốt truyện phức tạp hơn, các nhân vật cũng có tính cách tốt xấu khó phân biệt và ranh giới giữa các nhân vật chính diện và phản diện cũng bị xóa nhòa. Những cảnh tình dục và bạo lực cũng được các đạo diễn đề cập trực diện hơn và ít né tránh như các giai đoạn trước đó. Tiêu biểu cho xu hướng này là bộ phim gây rất nhiều tranh cãi A Clockwork Orange (1971) của đạo diễn Stanley Kubrick. Bên cạnh Kubrick, các đạo diễn thuộc thế hệ "New Hollywood" còn phải kể đến Francis Ford Coppola, đạo diễn Bố già (The Godfather, 1972, một trong những bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ), Steven Spielberg, đạo diễn Hàm cá mập (Jaws, 1975, mở đầu cho trào lưu phim bom tấn của Hollywood), George Lucas, đạo diễn loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars). Từ giữa thập niên 1970, một thể loại điện ảnh gây tranh cãi, phim khiêu dâm, bắt đầu phát triển mạnh ở Mỹ với sự thành công của bộ phim Deep Throat, với ngôi sao Linda Lovelace, Deep Throat đã trở thành một hiện tượng văn hóa thời bấy giờ và dẫn đến sự ra đời của một loạt bộ phim khiêu dâm tương tự. Tuy nhiên điện ảnh khiêu dâm cũng chỉ tồn tại trên màn ảnh rộng đến cuối thập niên 1980 khi việc kinh doanh băng từ VCR phát triển mạnh, cho phép khán giả xem các bộ phim loại này ở nhà thay vì phải đến rạp.

Thập niên 1970 đánh dấu sự phát triển của các nền điện ảnh mới như điện ảnh Tây Đức với các đạo diễn Werner Herzog, Rainer Werner Fassbinder, Wim Wenders hay điện ảnh Úc với Peter Weir, Fred SchepisiMad Max. Điện ảnh Liên Xô cũng đạt đến giai đoạn phát triển mạnh nhất với các tác phẩm kinh điển như Dersu Uzala (1975), Moskva không tin vào những giọt nước mắt (Москва слезам не верит, 1979) (cả hai đều đoạt Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất) hay Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân (Семнадцать мгновений весны, 1973), bộ phim đưa Vyacheslav Tikhonov trở thành một thần tượng của điện ảnh Liên Xô với vai diễn điệp viên Stirlitz.

Tại châu Á, điện ảnh Hồng Kông cũng phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của hãng phim Golden Harvest và các ngôi sao phim võ thuật như Lý Tiểu Long hay Thành Long.